Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

CÁC LOẠI BÁNH THỜI THƠ ẤU


Trời mưa rả rích cùng với không khí dịu mát khiến tôi nhớ tới những loại bánh được ăn thủa nhỏ cách nay hơn 50 năm mà khi còn thơ bé thường mê,ngày ấy làm gì có những loại bánh hộp mùi hương nức mũi như bây giờ được chế biến bằng hương liệu công nghiệp, khác hẳn với hương dừa thơm mát, hương sầu riêng, đậu xanh, đậu phộng, lá dứa được các bà, các mẹ chế biến khéo léo như: Bánh bông lan, bánh bò, bánh kẹp tất tật các loại bánh từ nướng đến hấp để phục vụ con cháu đông đúc của mình.Tuy nhiên, các loại bánh này chỉ được làm khi lễ tết, giỗ chạp…ngoài thời gian ấy trẻ nhỏ muốn ăn thì đến mua ở những hàng bán tạp hóa kèm bánh là có thể thỏa mãn cơn ghiền hoặc đón gánh hàng rong đi ngang ngõ để mua.
 
 Cứ nhớ đến thủa cách nay hơn nửa thế kỷ mỗi sáng nghỉ học, đón bà đi chợ về, anh chị em chúng tôi sẽ được chiếc bánh quấn thừng màu vàng ngà chiên dòn,rồi thì bánh tráng mè, tôm, bánh lỗ tai heo, bánh chao,bánh men…thì cảm giác ngon tuyệt đến giờ vẫn nhớ.Bánh ngọt ngày ấy đơn giản và không nhiều, đa phần làm thủ công, lâu lâu mới được bà mua cho ăn nhưng mỗi đứa chỉ được một chiếc, ăn nhín nhín đến hết vẫn còn thèm.Riêng tôi, tận hưởng độ dòn tan, hương vị của bánh thơm tự nhiên của đường, bột là đã mê lắm rồi, nói chi đến những loại bánh thơm mùi dừa, mùi lá dứa.
 

 Nếu diễn tả về các loại bánh thủa xưa thì tôi nghĩ rằng sẽ không đủ vì lúc ấy mấy loại bánh tôi được ăn còn ít lắm so với kiến thức mình có.Vì vậy tôi chỉ tả cảm xúc về thời tuổi nhỏ biết về một số loại bánh mà có thể hiện nay đã không còn trên thị trường, nơi đô thị tôi đang sống nữa.Ừ, như bánh quấn thừng bằng bột gạo xuắn hình như sợi dây thừng chiên vàng óng,bên ngoài phủ lớp đường thắng mỏng đủ độ ngọt hấp dẫn tôi mỗi khi cắn là dòn tan thơm phức, hoặc chiếc bánh tráng màu vàng cam có ruốc khô,hành lá chiên dòn mặn mặn tạm no bụng vào buổi trưa hè trời mưa mát dịu,bánh men hình tròn và hình con sâu bỏ vào miệng là tan trên lưỡi tỏa hương dừa thơm phức, rồi bánh phục linh làm bằng bột năng mịn mát thơm mùi lá dứa khi ăn phải từ từ nếu không sẽ nghẹn cổ…
 
 
Chao ơi, tuổi thơ thời của tôi chỉ đơn giản với mấy loại bánh bình dị đến lạ lùng mà sau mấy mươi năm cứ mỗi ngày mưa, nỗi nhớ trong tôi cứ cồn cào về tuổi thơ thiếu thốn, nhớ rõ ràng tên gọi, hương vị từng loại bánh mà ray rứt hoài tưởng.Sau này có bánh tay quạt, bánh lỗ tai heo, bánh chao, bánh khoai mì nướng,bánh bò, bánh thuẫn, bánh da lợn… cũng khiến lòng ham ăn vặt của tôi thêm thích thú.Trời, nhắc lại tôi vẫn còn nguyên cảm giác thú vị  ăn gì cũng ngon thủa ấy! không giống như trẻ nhỏ bây giờ,các món ngon sản xuất công nghiệp tràn ngập khiến khung trời tuổi thơ của các bé không thể giống như tôi,khiến chúng có còn cảm giác lãng đãng như tôi sau mấy mươi năm nhớ lại?


 Thời nào rồi cũng có kỷ niệm riêng, nhưng dường như sự mộc mạc mất dần ý nghĩa khi cuộc sống công nghiệp chen chân vào đời sống, tạo nên sự tất bật lo toan, nhàm chán của công nghệ hàng loạt đánh bật cách làm bánh thủ công, những loại bánh xưa dần mai một là chắc chắn…Biết làm sao được với quy luật phát triển? nên khi  lớn tuổi, tôi mới hiểu vì sao có lúc ông bà, ba mẹ thường hay hoài tưởng về quá khứ, nhắc chuyện cũ mà tôi nghe hờ hững như không.Cuộc sống khốc liệt, thăng trầm đa đoan một kiếp người trăm năm phù du.Tất cả nhạt nhòa khiến đời cứ như cõi mộng nhè nhẹ tiếng ru hời thủa nằm nôi, bâng khuâng chìm nổi.
 
 
 Mưa vẫn cứ mưa, tiếng rao hàng đậm đà giai điệu thủa nào cũng dần mất hút, thay vào đó là tiếng rao vô cảm phát ra từ chiếc máy của người bán, lạc lõng vô hồn.Ngày xưa rao hàng là một nghệ thuật, lúc bổng lúc trầm, rao gửi cả tâm tư người bán lúc bão táp, lúc nắng hè, đêm khuya đều khác nhau, tiếng rao là nhịp tim người bán nối với người mua những cảm xúc bâng khuâng là thế.Có lẽ tôi cứ mãi vọng tưởng, mãi tưởng tượng vớ vẩn mà nôn nao về bao điều đã qua để tiếc cho thủa ấu thơ vốn nhiều kỷ niệm nồng nàn của ký ức nhẹ tênh mà khó quên đến thế.
 
Vẳng từ xa, tiếng rao bởi chiếc máy phát của người hàng rong giữa cơn mưa chiều rỉ rả: “Chưng, gai, giò…” ngắn đến độ vô nghĩa càng khiến tôi thêm cám cảnh mà buồn thấm thía.Sự hời hợt làm mất đi chất lãng mạn phong phú của văn hóa rao hàng mà thủa bé tôi đã được nghe giờ chỉ là dĩ vãng.
 
 
PHAN THỊ VINH

Trích thừ blog Chung một mái trường (trường thánh Giuse - Vũng Tàu)

http://chungmotmaitruong.blogspot.com/2013/10/cac-loai-banh-thoi-tho-au.html?utm_source=BP_recent 

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

TRƯỜNG HOÀ BÌNH NGÀY ẤY
                                                                                                                  Bùi Công Thuấn
 
 
Cha Giám Đốc Lâm Quang Trọng, Cha Giám Học Nguyễn Chu Trinh
 và thầy cô trường Hoà Bình năm 1970
 
 
            Tôi về dạy ở truờng Trung Học Hoà Bình từ năm 1970. Hình ảnh thân quen nhất với tôi là Cha Giám Học Nguyễn Chu Trinh ( Bây giờ là ĐGM giáo phận Xuân Lộc ). Người mặc áo dài đen, đội chiếc nón Hướng Đạo , đi chiếc xe vespa 50 , dáng rất nghiêm nhưng thanh thoát , rất cao cả nhưng lại gần gũi thân thương. Giờ dạy cuả tôi liền với giờ dạy cuả Người. Cha con gặp nhau hàng ngày . Tôi dạy môn Âm Nhạc, lúc nào lớp cũng sôi nổi ca hát, chắc là làm phiền  thầy cô ở phòng bên cạnh nhiều lắm. Nhưng học trò trẻ con lại thích hát và lớp thì rất đông , biết làm sao. Lúc ấy trường ấn hành những tập sách hát Ca Khúc Hoà Bình , vưà làm tài liệu học tập, vưà để sinh hoạt cộng đồng. Nếu bây giờ bạn nào còn giữ được, quả là một kỷ niệm thật quý giá.
            Ngoài những giờ hát cộng đồng ồn ào, còn lại tất cả các giờ học trường im phăng phắc. Học trò nín thở khi bất chợt thấy Cha Giám Học đi ở ngoài hành lang. Người thường đi như vậy để quan sát việc học tập cuả học sinh . Những cô cậu hay nghịch ngợm, nói chuyện thường là được ăn roi mây. Trường luôn có sẵn roi mây cho thầy cô cầm xuống lớp. Ngày xưa các cụ dạy “ hay chữ , dữ đòn “, có lẽ vì thế nhiều bạn học sinh nghịch ngợm vẫn còn ấn tượng khó quên về thời trẻ con cuả mình. Đi học trễ thế nào cũng ăn roi, nghịch ngợm, vô phép được thưởng thức món “ lươn xào lăn “ đậm đà hơn. Trường học phải có kỷ luật, kỷ luật càng nghiêm hiệu quả giáo dục càng cao.
            Những đêm Văn Nghệ Hoà Bình luôn là một sinh hoạt văn hoá sôi nổi cuả thị xã Long Khánh. Thường là đêm 23/12 trước lễ Giáng Sinh , trường tổ chức văn nghệ, có sự đóng góp tiết mục giao lưu cuả trường bạn. Đêm diễn được tổ chức trên thềm nhà thờ Chính Toà Xuân lộc, như một sân khấu lộ thiên hoành tráng. Học sinh Hoà Bình tha hồ muá hát trước hàng ngàn khán giả. Rạp hát Long Khánh lúc ấy chẳng mấy khi chiếu phim, rạp ẩm thấp và hôi hám , vì thế những đêm văn nghệ như vậy luôn tạo ra một không khí lễ hội hân hoan.
            Tôi mới ra trường, lại được nhận vào dạy ở Hoà Bình thì thật là một vinh dự. Tôi học được nhiều kinh nghiệm  sư phạm ở những bậc đàn anh như thầy Dậu, thầy Phước, Thầy Tùng, Thầy Trang, Thầy Minh, Thầy Khoan, thấy Tước. Những kinh nghiệm ấy với một người mới chập chững vào nghề , thật là quý giá. Cha Giám Học ( ĐGM ) có biệt tài về tổ chức quản lý giáo dục, về ứng xử nhân sự. Tôi đã học ở Ngài nhiều điều  mà sau này,  khi làm Hiệu trưởng một trường Dân Lập tôi đã có cơ hội thể nghiệm. Hoà Bình là nơi tôi đã trưởng thành lên, nơi tôi được nhiều đồng nghiệp và học sinh yêu mến, và đặc biệt được Cha Giám Học ( ĐGM) nâng đỡ , yêu thương tận tình. Cả quãng thời gian khó khăn sau này Người vẫn quan tâm đến tôi.
            Điều rất vui mừng là sau những tháng năm thăng trầm cuả lịch sử,   Hoà Bình đã có nhiều người con rất thành đạt. Điều đặc biệt vinh dự cho những người con ấy là Cha Giám Học ngày xưa giờ đã là Đức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc. Chỉ trong một thời gian ngắn đựợc Chuá chọn vào cương vị chăn dắt đàn chiên lớn , Đức Cha đã xây đựng được những công trình lớn lao, làm vinh danh Chuá và mưu ích cho giáo hội cuả Người. Những người con cuả Hoà Bình xưa không chỉ hãnh diện, tự hào về Đức Cha cuả mình mà còn học tập được ở Người những bài học lớn về tinh thần phục vụ, về những nỗ lực phi thường trong cuộc sống để làm sáng danh Chuá. Chúng ta hằng cầu nguyện cho Ngài, và như thế, chúng ta luôn ở bên Ngài, như những học trò nhỏ cuả Ngài ngày xưa.
NGHĨ VU VƠ VỀ 1 BÀI HÁT




NGHĨ VU VƠ VỀ MỘT BÀI HÁT
Năm mười sáu, em b trường b bn  Tôi b quê trong ni bun xa nhà
Đ
đến t góc đi b ng  Tình yêu là chiếc bóng xa xôi

Sau mười năm em đã thành thiếu ph Quanh đi tôi đâu cũng là sương mù
M
t sm cht em v gõ ca       Tình yêu là nng tt lâu ri

Thôi.. .chuyn tình ngày xưa như ánh la
Bay qua đ
i đôi ln   Ri cũng khut xa dn

Thôi.. .như mt vng trăng không tròn na
Đ
ng di lòng nhau, đng x đôi

Đi người là nhng cách chia muôn thu
Nhìn tr
thơ vui, bng ngm ngùi ...                

        Cmỗi lần nghe lại bản nhạc này, chút tình cảm còn sót lại trong trái tim lão hóa tập 2 của tôi lại nao nao buồn, một chút buồn … hồi teen.
          Phải thôi, mười sáu là tuổi teen mà, mặc dù cách đây gần 40 năm, từ teen đó chỉ xuất hiện trong … giờ Anh văn. Em xin thầy Trang đừng mắng em, kể ra em cũng còn nhớ dăm bảy chữ tiếng Anh chớ còn có bạn quên tuốt luốt luôn (meo meo – mèo khen mèo). Mười sáu tuổi có những cô bé bỏ bạn bỏ trường (bỏ cuộc chơi). Mười sáu tuổi có những anh chàng ngơ ngẩn trông vời áo tiểu thư. Mười sáu tuổi ngày xưa người ta làm thơ ca tụng mối tình đầu (dù thiệt ra có người….. tuổi của nàng anh chỉ nhớ mười ba – cái này cá biệt). Mười sáu tuổi người ta khờ khạo đứng trông chờ cả buổi chỉ để nhìn mái tóc, tà áo dài bay bay của người ấy, ôm cặp đi vòng vo một quãng đường chỉ để hỏi vài ba câu ngớ ngẩn.
          Trái tim mỗi người có ít nhất bốn ngăn – xét về mặt sinh học, và có những trái tim ngăn lỗ chỗ như tổ ong hoặc giống cái tiệm thuốc Bắc có lung tung hộc – xét về mặt tinh thần. Ông Tố Hữu yêu nước thương nòi chỉ để có dành 1 ngăn nhốt hết cha mẹ anh em bồ bịch. Tôi kém yêu nước hơn ông, nên trái tim tôi có ít nhất một ngăn để cất cho những kỷ niệm đẹp thuở thiếu thời, nói toẹt móng trâu ra là hồi đi học. Chỉ vì đó là khoảng thời gian con người ta vui vẻ nhất, hồn nhiên nhất, vô tư nhất, yêu đời nhất. Sau này, lớn lên, rồi già lần lần, trái tim và bộ não cùng lão hóa theo qũy đạo chung, biến những cô bé, chàng trai ngây thơ ngày nọ thành những đô vật, vật lộn với thời gian, với cuộc đời. Vật riết mà người ngợm đầu óc chai sạn hết, nhìn đâu cũng thấy Lý Thông, ngó đâu cũng thấy ký sinh trùng, tự nhiên biến thành vô cảm. Tình yêu bây giờ đã thành chiếc bóng xa xôi, thành nắng tắt lâu rồi. Nên cô gái ấy, sau mười năm, một hôm về gõ lại chính cánh cửa ngày xưa cô đã đóng, những tưởng như tình cũ không rủ cũng tới. Tiếc thay, dù vây quanh anh là những đám sương mù, người đàn ông ấy vẫn tỉnh táo, dù trái tim còn rộn ràng nhịp đập hồi sinh vẫn chỉ để tiếc cho một quá khứ đã lụi tàn
          Hai chữ thôi, với những dấu chấm bỏ lửng chập chùng, giống như một chút gì luyến tiếc, nửa ở nửa đi. Thôi… ánh lửa bay qua, rồi cũng khuất xa. Thôi… vầng trăng hết tròn rồi lại khuyết, dối lòng làm chi, chẳng được gì. Mối tình ngày thơ dại vốn đẹp chỉ vì nó… rất thơ dại. Và cũng chỉ đành nhìn về quá khứ, xếp chút tàn y chớ chẳng thể làm khác được. Dẫu rằng quay đi rồi con mắt còn có đuôi. Dẫu rằng mái tóc, nụ cười ấy vẫn thấp thoáng đâu đây thời áo trắng ngày xưa. Nhưng. Lại nhưng. Cái chữ nhưng chết tiệt. Bên ta bây giờ đâu phải chỉ mình ta, ta còn gia đình, còn lão bà nhà ta, còn cái mái ấm Nguyệt lão lỡ se rồi. Đành vậy, có duyên không phận. Cái kết của chúng ta bây giờ là những đứa trẻ - như chúng ta ngày xưa; là những bổn phận ràng buộc ta trong suốt cuộc đời. Nên ta lại bước vào quỹ đạo của cha mẹ ta, ông bà ta để vui với niềm vui của con, của cháu. Ngậm ngùi thay câu: Đời người là những cách chia muôn thuở.
          Rồi bỗng quay đầu nhìn lại chính mình, tóc xanh giờ đã bạc, những ưu tư phiền não chất chồng xếp nếp trên da. Quạnh hiu thay tuổi về già, con cái lớn lên đủ lông đủ cánh bay xa, còn lại hai ông bà đấm lưng bóp gối đi ra đi vào. May mắn lắm mới có vài đứa cháu thi thoảng lui tới thăm nom chút đỉnh, rồi chúng cũng ồ ạt biến về với bạn bè của chúng: như tụi mình hồi đó. Vợ chồng già nhìn nhau cuời thông cảm.
          Sáu mươi năm cuộc đời đã sắp xong rồi, còn lại những ngày tháng đoạn cuối.  Mỗi năm còn may mắn được trường tổ chức cho vui vẻ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, năm nay còn những gương mặt này, năm sau biết còn có hay không? Thôi thì… được lúc nào hay lúc đó. Đời người vốn là những cách chia muôn thuở mà.
         
                                                           Trần Thị Ngọc Kúc K9

Những tháng ngày qua

Tôi bỗng muốn kể về những tháng ngày tôi đến Long Khánh.

Trước khi về Hòa Bình, tôi học ở một trường huyện cách Long Khánh hơn 40 km. Vào thời đó đường xe đi không thuận tiện cho lắm, những cảnh gài mìn, đắp mô thường xuyên xảy ra, nên mẹ tôi có ý nghĩ đưa tôi về một chốn nơi yên lành hơn, tôi vốn là con gái rượu mà. Gần nhất là về Long Khánh, thuận tiện nhất là tìm một ngôi trường cùng đạo, thế là mẹ tôi cho tôi xuống học ở Hòa Bình.

Ngày tôi bắt đầu vào học thì các bạn khác đã học được một tháng rưỡi rồi, vì lúc đó Hòa Bình nhập học từ tháng 8 mà tôi thì mãi đến 12/9 mới rút được hồ sơ ở trường cũ. Tôi vào muộn, nên phải chịu ngồi trong góc kẹt, bên cửa sổ và gần cuối lớp. Gần cuối là vì tôi cao vỏn vẹn có 1m53 nên mới được ngồi trước 2 cô bạn cao lêu nghêu chớ chẳng phải là vì lý do gì đâu. Cũng vì vô học muộn gần 2 tháng mà về sau này tôi không đủ điểm để giành phần thưởng cuối năm với các bạn, một lý do làm tôi ấm ức giận dỗi.

Mới đầu tôi ở trọ nhà dì tôi trong làng phế binh, cạnh Quốc lộ 1, bây giờ là chỗ nào tôi cũng không biết. Ngày ngày tôi đi đi về về với Huỳnh Liên, một cô bạn ngồi bàn trên, ở trong hẻm Ba Tiều. Huỳnh Liên đi đến 1/3 hẻm thì vào nhà, còn tôi đi hết hẻm, băng qua đường Quốc lộ 1, qua một khoảng sân rộng của làng mới vào được nhà. Không biết các bạn có thấy xa không chớ hồi đó còn nhỏ tôi thấy sao mà nó xa tít tắp, nhất là cái đoạn sau khi Huỳnh Liên vào nhà, tôi một mình đi cho hết cuối con đường, nó dài ơi là dài, xa ơi là xa.
Phơi nắng nhiều nên khi tôi về thăm nhà má tôi la làng suýt không nhìn ra con gái. Mẹ nào mà chẳng thương con. Má tôi xót ruột lập tức xuống Long Khánh hỏi thăm tìm nhà trọ, chẳng biết ai đưa lối ai dẫn đường mà bà đem tôi gởi vào Lưu xá Anna, sát bên trường Hòa Bình – gần nhà nhưng xa ngõ. Lại bắt đầu một cuộc sống mới.

Tôi ở Lưu xá, học Hòa Bình, mỗi ngày đi qua con đường có nhiều lá cây khuynh diệp reo vi vu, có những viên sỏi trắng nho nhỏ rào rào dưới chân, có mùi ngọc lan nồng nàn sang trọng, có vườn hoa khoe sắc, vườn cây rợp nắng. Một năm học kỷ niệm của cuộc đời tôi mang những nốt nhạc vui tươi thơ dại, tôi nhí nhảnh giữa đám bạn bè cùng lớp và các bạn lớn nhỏ trong Lưu xá, chẳng hề biết đau thương, lo sợ là gì. Tôi đâu biết rằng ở thời khắc đó, các bạn cùng lớp với tôi đã không được như tôi, có người hằng ngày đạp xe mấy chục cây số tới trường, màu đất đỏ Long Khánh bám trên áo học trò giặt mãi không ra; người khác mỗi ngày lên lên xuống xuống xe đò chen chúc, có người cũng như tôi năm trước, luôn luôn đối mặt với nỗi sợ hãi từ cái bóng đen đáng ghét mang tên chiến tranh.

Do hoàn cảnh, mỗi năm học từ lớp 7 đến lớp 12 tôi thay đổi một trường, từ ngôi trường huyện nhỏ xíu miền Đông đến trường to nhất một thành phố lớn ở miền Tây. Hầu như chương trình học của trường nào cũng giống nhau. Chỉ duy nhất có một môn học tôi chỉ được học ở trường Hòa Bình, hay nói ngược lại, chỉ trường Hòa Bình mới dạy môn học đó, chắc các bạn, các anh chị nào đã học ở Hòa Bình chưa quên, đó là môn Lịch sự. Tôi còn nhớ câu mở đầu của cuốn sách này là: Lịch sự là bông hoa thơm của nhân loại. Hồi đó tôi học môn này rất thích thú nhưng nhiều khi tự hỏi không biết người ta dạy làm gì mà kỹ thế. Từ cái rất nhỏ như chải đầu, ngoáy mũi, xỉa tăm cho đến những cái lớn lao như vị trí của mỗi người khi ngồi vào các loại xe 4 chỗ, 7 chỗ, 12 chỗ. Rồi cách ngồi bàn ăn, bàn họp với người Việt, người Anh, người Pháp, người Hoa, cách đón tiếp khách nước ngoài; cách nhận hoặc tiếp thức ăn trong bàn tiệc. Những điều đó tưởng rất vô lý đối với bọn trẻ nít như chúng tôi, không ngờ về sau này nó lại trở thành ưu thế cho riêng tôi trong cuộc sống bon chen giành giật với vai trò một thư ký văn phòng.

Hồi ở Lưu xá mỗi tuần 3 lần có các cha vào làm lễ Misa trong nội trú, khi là cha Thế, khi là cha Trinh. Vườn hoa trong Lưu xá rực rỡ sắc màu, ngôi nhà nguyện bình thường đã được các sơ chăm sóc cẩn thận, những ngày có lễ bọn trẻ con chúng tôi còn góp vào đó một tay làm cho nhà nguyện đẹp lung linh hơn. Đứa nào cũng hăng hái lau lau chùi chùi hết bàn đến ghế dù thật ra đã bóng loáng từ lâu, đứa lại mon men đi theo các sơ góp ý thêm bông này bớt bông nọ, và trong những ngày lễ thuộc mùa chay không cắm hoa mà chỉ dùng toàn màu tím chúng tôi cũng len lén bứt bông để cạnh bàn quỳ. Không biết có ông cha bà dì nào biết không?
Thầy Lộc giám thị trường Hòa Bình có tiếng là đánh học trò ghê nhất, còn thêm cái khoản cắt ống quần hippy nữa chứ. Eo ơi. Quá khiếp luôn, gan tôi vốn nhỏ mà, chắc nhờ vậy mà tôi ngoan. Thầy Hưởng dạy Toán đánh cũng danh tiếng lắm, có lần thầy đánh một bạn trai, đánh xong phóng vút cây roi mây ghim thẳng vào bảng, đuôi cây roi còn rung rung một lát mới dứt, trở thành huyền thoại của lớp tôi mãi đến bây giờ. Thầy Thuấn thì đi đến lớp nào lớp ấy cứ hát vang trời. Năm đó thầy dạy cho lớp tôi bài “Tàu hôm nay nếu đi an lành, chắc tối nay sẽ quay về nhà …” Tôi hát mà chẳng thích chút nào, tôi thích bài của lớp lớn cơ, bài Bình ca 2 với câu “Này em đã đến giờ, mẹ đưa em đi chợ … gặp anh hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ, trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ”. Nhưng tôi thích nhất là mỗi khi thầy Thuấn cao hứng lên giảng một điển cố văn học nào đó (năm đó thầy dạy cả môn Văn cho lớp chúng tôi) lại phóng tay viết tiếng Tàu ngang dọc trên bảng, tôi vốn rất thích cái nét đẹp lãng đãng trong chữ Hoa mà.

Mỗi ngày tôi đi đi về về với bạn bè lớn nhỏ cùng ở trong Lưu xá, riêng ngày thứ năm tôi học thêm một tiết, phải về sau cùng, vừa đói vừa mệt. Có vài lần tôi gặp một bạn trai cùng lớp cũng đi vào con đường đó. Ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Đi đâu vô đây?
Người đó ấp úng.
- Tui đi thăm cháu tui.
- Cháu ông là ai?
- Là Bích đó.
Thế là tôi lon ton chạy vô Lưu xá, gào toáng lên:
- Bích ơi. Chú mày kiếm mày nè.

Nhiều lần sau cũng vậy, ngày thứ năm tôi lại đi cùng, lại gào lên. Rồi có khi buổi sáng tôi thấy người bạn đó đứng ở bên hè trường Tiểu học Thánh Gioan, chờ bọn nội trú chúng tôi đi ra rồi nhập bọn đi chung vô trường. Ba mươi mấy năm sau nhắc lại chuyện xưa, bạn ấy hỏi tôi: Không biết thật hay giả bộ không biết? Ước gì lúc đó tôi biết bạn ấy muốn gì.

Cuối năm học, vì thiếu điểm tôi không được phần thưởng, một điều chưa từng xảy ra với tôi từ khi đi mẫu giáo. Tôi ấm ức khóc hu hu rồi đùng đùng xách valy te rẹt về nhà, bỏ lại sau lưng những cái vẫy tay tạm biệt và nụ cười, nước mắt trong nội trú.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua một cách tàn nhẫn, tóc ai rồi cũng chuyển từ màu nọ sang màu kia, má ai, mắt ai giờ cũng hằn những nếp nhăn tuổi tác. Ấu thơ trôi qua rồi, những ngây ngô hồn nhiên cũng biến mất, giờ đây tôi thủ đoạn như Tào Tháo, gian ác như phù thủy, nói dối như ông bạn của Hằng Nga. Nhưng trong lòng tôi ký ức về những tháng ngày đẹp đẽ ấy luôn luôn tồn tại, và gan tôi bỗng mềm đi, ruột tôi bỗng chùng lại, tim tôi bỗng nhẹ tênh khi nghe lại bài hát năm xưa “Cất bước lên ta vào cuộc đời….”

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Năm 2013



         Họp mặt năm 2011


















KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI



KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

Tôi nghe có người nói rằng: Tuổi trẻ thì hướng tới tương lai, còn người già thì quay về ký ức. Tôi cho rằng điều này cũng đúng. Thường khi người ta lớn tuổi, thời gian dư giả nhiều hơn, những kỷ niệm ngày còn thơ ấu đôi lúc bất chợt kéo nhau về lũ lượt trong bộ nhớ. Người ta bỗng dưng nghĩ đến ngày còn là đứa trẻ ranh bì bõm lội suối  hay những buổi chiều cả bọn đuổi bắt dưới chân đồi. Và những câu chuyện ấy đôi khi cũng được kể lại cho con cháu nghe, kèm theo hai chữ “ngày xưa”. Lũ con cháu của thời @ không mấy đứa thích nghe chuyện cổ tích, nếu có nghe cũng chỉ là bất đắc dĩ, đó là chưa nói có đứa còn nhăn mặt rên rỉ : Ối giời, lại ngày xưa. Nhưng người già chúng ta thì lại luôn nhớ về ngày xưa, lại luôn muốn quay về những tháng ngày thơ ấu của tuổi trẻ, lại luôn thiết tha tìm gặp một chút ngày xưa của mình. Có lẽ vì thế mà người ta mới sớm sinh ra cái chuyện họp lớp họp trường, mặc dù thật ra đây không chỉ là đặc quyền của tuổi già, tuổi trẻ cũng vẫn họp lớp mà. Nhưng dù là họp lớp của tuổi trẻ hay tuổi già, cái mà người ta không thể không nhắc tới đó cũng vẫn là những tháng ngày của quá khứ .
Tôi cũng thuộc lớp người già, mặc dù đôi khi tự an ủi mình chưa già lắm. Nhưng nói gì thì nói, không ai chấp nhận được nếu ở tuổi đầu năm mà cứ tưng tửng nghĩ là mình còn trẻ, dù thật lòng vẫn thèm được nhí nha nhí nhảnh như lúc còn đi học, thèm được một lần trở lại làm “Ngày xưa Hoàng thị”, nên đôi khi cố giả vờ như cần phải làm một việc gì đó, gọi là kiếm cớ ấy mà, để lửng thửng đi vào con đường mà khi xưa ta bé ta đã từng đi, bước lại những bước chân đỏng đảnh của một thời áo trắng ta đã từng bước.
Một trong những lần lang thang như vậy, tôi đã gặp một người bạn – không, phải gọi là anh, một bậc đàn anh lớp lớn, có lẽ cũng có những hòai niệm nhang nhác giống tôi, chúng tôi đã gặp nhau – ngay tại sân trường Hòa Bình.
Đó là một lần vào khoảng năm 78 – 79 gì đó tôi không nhớ chính xác, trong một lần tôi quay về Long Khánh, lúc đó Long Khánh chưa đổi thay nhiều như bây giờ, để ghé thăm một người bà con bên mẹ. Lúc ở ngã 3 Dầu Giây, đến thăm một đứa bạn ngày xưa rất thân, tôi bảo:
- Tao muốn ghé trường ghê .
Hiếu liếc tôi:
- Ai ở đó mà mày ghé. Mấy thầy cô chắc đi vượt biên hết rồi. Tao còn nghe nói trường bị đóng cửa. Có ai đâu mà vô?
Rồi nó thì thào:
- Coi chừng Công an họ để ý đó mày ơi.
Dừng lại một lúc, nó nói thêm:
- Tao nghe nói hồi chiến tranh, người ta chết ở đó nhiều lắm. Trường không có ai, mày vô ma nó bắt mày.
Tôi phì cười:
- Ban ngày ban mặt làm gì có ma.
Nó gân cổ:
- Mày biết gì, người ta chết đầy một chợ, máu ngập tới nửa ống chân.
Đúng là tôi có biết trận đánh kinh hoàng nhất năm 75 là ở tỉnh Long Khánh (chớ không phải là ở Ban Mê Thuộc như một số người nói), đúng là tôi cũng có nghe nhiều về nỗi xót xa, cơn quặn thắt đau lòng mất mát trong chiến tranh, và cũng đúng là tôi rất sợ ma; nhưng sao trong tôi vẫn có ý muốn quay nhìn lại nhìn ngôi trường thân quen mà tôi đã có một thời gian học. Tôi chỉ nói một thời gian, vì hồi đó chuyện thay đổi trường lớp khi gia đình chuyển đi là chuyện rất bình thường. Tôi học ở Hòa Bình không nhiều, nhưng đó lại là khoảng thời gian lãng mạn nhất, thơ mộng nhất của tuổi trẻ. Cho nên, không có gì lạ khi tôi mãi hoài niệm về một trường Hòa Bình thân ái.
Gần trưa, sau khi đã từ biệt người bà con, tôi quyết định đi vào khuông viên nhà thờ Chánh tòa, quay tới quay lui một hồi tôi mới tìm ra được con đường đi vào Lưu xá, nơi tôi từng trọ học. Người ta rào ngoằn nghèo kẽm gai, tôi phải lách mình qua mấy bụi cây rậm rạp để vào. Tôi thẩn thờ tiếc nuối cho vườn hoa tươi tốt ngày xưa với những cây ngọc lan cao lớn thơm nồng nàn, hai bên vệ đường mấy cây khuynh diệp xác xơ, cỏ tranh mọc dày và gai mắc cở bắt đầu tìm được chốn dung thân. Đâu rồi vườn hoa hồng ngào ngạt qúy phái? Đâu rồi những bụi hoa dâm bụt được các sơ dày công tháp ghép xanh đỏ tím vàng? Đâu rồi giống cây nguyệt bạch tôi yêu thích, ban ngày mờ nhạt ban đêm lộng lẫy dưới ánh trăng? Tôi chỉ nhìn thấy những vồng khoai, bụi chuối, loại lương thực cứu đói hữu hiệu nhất vào thời ấy.



Các sơ cũng không còn ai quen cho tôi nói chuyện, phần đông đã chuyển đi nơi khác. Nơi nhà ngang của Lưu xá, tôi thấy một số người nhìn không giống người tu hành ở đó, họ nhìn tôi chăm chú. Sau khi kính chuyển lời thăm các sơ quen biết, tôi lại lặng lẽ quay ra, ái ngại vì những con mắt xa lạ ở nhà ngang nhìn tôi đầy nghi kỵ. Tôi lại lững thững đi ra trên con đường mà tôi vẫn thường đi, cố tưởng tượng dưới chân mình là những hòn sỏi trắng ngày nào, cố nghe tiếng gió rì rào thổi qua những chiếc lá khuynh diệp, cố gắng hít hơi tìm lại mùi hương ngọc lan nồng nàn sang trọng. Rồi tôi lại chui qua cái khe hẹp bé xíu để đến bức tường loang lỗ vì vết đạn của trường Tiểu học thánh Gioan, để đứng trước sân trường Hòa Bình.
Tôi còn nhớ tôi đã rất buồn khi nhìn thấy những vết hư hại trên ngôi trường. Nó không nhiều như tôi tưởng tượng, nhưng nó như những vết cứa nhẹ nhàng vào tâm hồn tôi. Tôi thẩn thờ nhìn cuộn kẽm gai chăng ngang qua cái lối vào sân trường, tôi ngơ ngác nhìn những cây mã tiền đứt ngọn, cái băng ghế đá dưới gốc phượng mà ngày xưa tôi, Hiếu, Đào, Liên, Qúy hay giành nhau ngồi đã chổng chơ nghiêng ngã. Lác đác trên sân cỏ mọc xanh rì, cỏ như cố chen mình vào cuộc sống, oằn mình tránh né từng khối xi măng vô cảm, giãy dụa giữa những tảng đá, gốc củi mục trên sân. Tôi chua chát nghĩ về chính mình, về tuổi trẻ sắp đi qua một cách vội vàng và hờ hững, cũng oằn mình tránh né và giãy dụa cô đơn. Có tiếng chân đến gần bên tôi, rồi tiếng nói:
- Trưa nắng không nên đứng phơi đầu như thế đâu cô gái.
Tôi quay lại để nhìn thấy một mái tóc bù xù và một đôi kính cận, cái áo trắng đã ngã màu trên đôi vai gầy ốm. Anh nhìn tôi chăm chú:
- Ngày xưa em cũng học ở Hòa Bình.
Tôi gật đầu, từ “cũng” có nghĩa là anh giống tôi, một học sinh Hòa Bình, nhưng anh phải lớn hơn tôi mấy lớp. Anh bảo tôi:
- Đứng ở đây nắng lắm, anh nhìn thấy có một chỗ vào được trong sân trường.
Tôi theo anh luồn lách qua mấy đợt kẽm gai, để lại trên cánh tay vài vết xướt nhỏ, sau cùng chúng tôi đến dưới gốc phượng có chiếc ghế đá ngã chổng chơ. Tôi bảo anh:
- Ngày xưa bọn em hay giành nhau chiếc ghế này.
Anh gật đầu, rồi anh kể anh đến đây từ sớm, anh đã nhìn thấy tôi cố gắng để vào cổng lưu xá như thế nào, anh đã đứng ngơ ngác ngòai đường nhìn bọn trẻ cắp cặp đi học mà tiếc nuối cho thời thơ ấu của mình. Chúng tôi im lặng một lúc lâu, tôi miên man nhớ lại từng hình ảnh trong quá khứ. Nào là buổi sáng chúng tôi lũ lượt xếp hàng vào lớp, đi ngang qua chỗ thầy Lộc giám thị đứng, tiếng roi thầy vụt vào mông những đứa quên không mang phù hiệu. Nào là những ngày thứ hai đầu tháng chúng tôi xếp hàng dưới sân chờ nghe đọc tên các tội phạm trong tháng và trao giấy khen học tập cho học sinh xuất sắc. Tôi nhớ từng khuôn mặt thân quen của thầy Trang, thầy Thuấn, thầy Hưởng, cô Nga, thầy Hậu. Tôi nhớ nụ cười trẻ thơ của thầy Hải, nhớ dáng vẻ thanh cao sang trọng của cha Giám học. Tôi cũng nhớ cả những lúc bọn con gái chúng tôi ù té khi phát hiện ra mấy con sâu lủng lẳng trên cành lá đong đưa, nhớ cả lúc chen chúc nhau trong căn tin. Trời ơi ! sao mà nhớ quá chừng. Đột nhiên anh hỏi:
- Về thăm trường cũ, thấy hoang vắng như vầy, em buồn lắm phải không?
Câu hỏi thật không hay chút nào, nhất là đối với tôi, một đứa thuộc dạng người mà ngày xưa thi hào Nguyễn Du đã dè bỉu “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Anh vừa hỏi dứt câu, tôi đã ngân ngấn nước mắt rồi sau đó thì tiếp tục rơi tự do, chảy ào ào như mưa tháng 7, mặc dù hai tay tôi không ngớt làm cái thủ tục quẹt lia quẹt lịa. Chắc sợ tôi ngượng, anh lững thững bỏ đi quanh sân trường, để tôi lại với tiếng hít mũi rột roẹt và một cây mít ướt.
Một lát anh quay lại, châm thuốc hút, nghĩ sao đó lại dập đi. Anh bảo tôi.
- Về đi thôi. Cái gì cũng là số mệnh, phải lạc quan em ạ. Em quên là “Trường Hòa Bình sẽ sáng chói mãi” sao ?
Chúng tôi ra về, từ sân trường đến cổng nhà thờ anh hỏi tôi tên tuổi, địa chỉ. Tôi mãi hít mũi và hắng giọng nên chỉ trả lời anh cho có lệ, cũng không hỏi anh tên gì. Một tháng sau tôi nhận được một lá thư không ghi địa chỉ người gửi, trong đó mở ra vỏn vẹn một bài thơ : Mùa thu – Hoa Cúc – Cổng trường.
Ba mươi năm trôi qua, tôi chưa từng gặp lại anh, ngày đó tôi quá vô tâm để không biết anh tên gì, ở đâu, học lớp nào. Ba lần trở về trường Hòa Bình gặp mặt, tôi mong được nhìn thấy đôi kính cận và cái dáng cao gầy của anh. Nhưng đã 3 lần rồi tôi thất bại, chỉ biết được tên anh qua 3 chữ viết tắt ở cuối bài thơ.
Hỡi người anh Hòa Bình đáng kính, đã nhiều năm qua bài thơ của anh em vẫn giữ, dù nó đã nhuốm bụi thời gian. Em mong được ngày nào đó gặp lại anh trong ngày hội của trường, và bảo với anh rằng: “Trường Hòa Bình sẽ sáng chói mãi” một cách đầy lạc quan như anh đã bảo. Em mong như thế.
                                                                                    Trần Thị Ngọc Cúc – K9


MÙA THU – HOA CÚC – CỔNG TRƯỜNG





Anh đứng hân hoan bên hè phố
Chào các em bé nhỏ đến trường
Mùa thu – mùa thu hoa Cúc nở.
Phải chăng mà cặp sách thêm hương?

Thu ở phố phường thu không lạnh.
Heo may ngọn gió trốn nơi nào?
Lá me rụng xuống đường đi học.
Lòng anh bất chợt cũng xôn xao.

Lòng anh giũ hết mười phương bụi.
Ao lại tinh khôi thuở học trò.
Nhưng nay quá tuổi đi vào lớp.
Anh thành chú bé đứng buồn xo.

Không lên bục giảng làm thầy giáo.
Thì đứng làm cây phượng góc trường.
Già cỗi nhưng còn xòe bóng mát.
Che cho hoa Cúc chẳng phai hương.

Sáng nay anh đứng bên hè phố.
Hoan hỉ và lòng như nắng mai.
Sáng nay thèm thuốc mà không đốt.
Khói thuốc – Cổng trường không được bay.



Trần Thị Ngọc Cúc – K 9 (ghi lại)